Nhà Tấn và Đông Ngô trong Tam Quốc từng sang Việt Nam đánh nhau?

#Sự_kiện_lịch_s

NHÀ TẤN VÀ ĐÔNG NGÔ TRONG TAM QUỐC TỪNG SANG VIỆT NAM ĐÁNH NHAU?


    Ai mê Tam Quốc hẳn đã nghe đến các trận chiến huyền  thoại, như trận Quan Độ, trận Xích Bích… Nhưng bạn có biết một trong số các trận chiến đó xảy ra trên đất Việt Nam?

    Theo Tam Quốc, cuối thời Đông Hán, đất nước Trung Quốc phát sinh nội, cuối cùng hình thành ba quốc gia là Tào Ngụy ở miền bắc, Thục Hán ở miền tây nam và Đông Ngô ở miền đông nam, tạo thành thế chân vạc.
Miền Bắc nước ta bấy giờ đang nằm dưới sự cai trị của nhà Đông Ngô, gọi là Giao Châu. Sau cái chết của thái thú Giao Chỉ Sĩ Nhiếp, Đông Ngô phong cho Sĩ Huy, con Sĩ Nhiếp làm thái thú quận Cửu Chân, nhưng Sĩ Huy không tuân lệnh mà dấy binh chiếm giữ Giao Chỉ. Các quan nhà Ngô ở Giao Châu và Quảng Châu cùng hợp binh tiến đánh và giết chết cả nhà họ Sĩ. Năm 248 ở Giao Châu nổ ra cuộc nổi dậy của Bà Triệu nhưng nhanh chóng bị tướng Đông Ngô là Lục Dận dẹp tan.

    Năm 263, viên quan nhà Ngô cai trị Giao Châu bị giết, kẻ chủ mưu là Lữ Hưng đem toàn bộ Giao Châu dâng lên nhà Ngụy ở phía bắc. Lúc này họ Tư Mã đã kiểm soát triều đình Ngụy, tiêu diệt nước Thục Hán do Lưu Bị lập nên. Quyền thần Tư Mã Chiêu nhân danh vua Ngụy phong cho Lữ Hưng làm An Nam tướng quân, coi việc binh ở Giao Châu. Năm 265, Tư Mã Viêm (con Tư Mã Chiêu, cháu Tư Mã Ý) cướp ngôi nhà Ngụy, lập ra nhà Tấn. Như vậy, vùng đất nay là miền Bắc nước ta chuyển sang phụ thuộc vào nhà Tấn.

   Nghe tin đã mất Giao Châu, vua Ngô là Tôn Hạo (cháu đích tôn của Tôn Quyền) nghĩ kế đối phó, quyết lấy lại Giao Châu. Quân Ngô đến nơi bị quân Tấn đánh bại tới ba lần, phải rút chạy. Tôn Hạo lại cử Tiết Vũ, Đào Hoàng đánh Giao Châu lần nữa. Sang năm 271, quân Ngô tiến vào Giao Châu, Đào Hoàng bại trận ở sông Phần phải lui về giữ Hợp Phố, hai tướng tử trận. Tiết Vũ giận lắm, trách mắng Đào Hoàng: "Nhà ngươi tự dâng biểu xin đánh giặc, mà bỏ chết hai viên tướng, trách nhiệm ấy về ai?”

    Hoàng trả lời:
“Hạ quan không được làm theo ý mình. Các quân không thuận nhau. Chỉ vì thế nên đến nỗi thua...”

    Tiết Vũ giận lắm, đòi rút quân về, nhưng Đào Hoàng không chịu, đem vài trăm quân đánh úp quân Tấn, lấy được vàng bạc châu báu sai dùng thuyền chở về. Tiết Vũ thấy thế bèn xin lỗi Đào Hoàng, cho Hoàng làm Tiền bộ đô đốc, tiến đánh Giao Châu lần nữa.

    Đào Hoàng đi theo đường biển, tiến thẳng vào Giao Châu. Các tướng muốn ra giao chiến. Bấy giờ Đào Hoàng thấy có chiếc cầu gãy, cho rằng trong chiếc cầu đó có mai phục, bèn sắp riêng quân cầm kích dài cho ở lại phía sau để tập hậu rồi mới tiến binh. Khi ra giáp trận, quân Tấn dùng kế rút lui để nhử. Đào Hoàng thúc quân đuổi theo thì quả nhiên gặp quân Tấn mai phục. Do có sự chuẩn bị trước quân của Đào Hoàng không náo núng, đội quân cầm kích dài lúc đó lại ra đón đánh, quân Ngô trong ứng ngoài hiệp, phá tan quân Tấn, giết chết chủ tướng.

    Sau khi tướng chủ tướng đã chết, quân Tấn chỉ biết cố thủ trong thành, chẳng mấy chốc mà thất bại. Đào Hoàng lại đem quân đánh xuống Cửu Chân. Công Tào quận Cửu Chân là Lý Tộ giữ gìn trong quận theo về với Tấn, quân Ngô đánh nhiều ngày chưa hạ được. Đào Hoàng sai cậu Tộ là Lê Minh sang dụ Tộ ra hàng. Tộ đáp rằng: “Cậu vẫn là tướng bên Ngô, còn Tộ vẫn là tôi bên Tấn! Ta cứ trông vào sức mình mà thôi!” Rồi cố sức giữ thành. Quân Ngô đánh rất lâu, cuối cùng mới hạ được. Toàn bộ đất Giao Châu trở về tay nhà Ngô.

    Trận chiến ở Giao Châu và Quảng Châu là một trong những chiến thắng hiếm hoi của quân Ngô trước quân Tấn. Toàn bộ Giao Châu và Quảng Châu trở lại với Đông Ngô như trước thời điểm 263. Chiến thắng này không thể làm thay đổi tương quan lực lượng giữa hai nước. Nhà Tấn tuy thua nhưng lực lượng chủ lực ở trung nguyên không bị ảnh hưởng vì không tham gia chiến tranh. Nước Ngô tiếp tục suy yếu trong khi quân Tấn vẫn hùng mạnh. Sang năm 280, Tấn diệt Ngô, thống nhất thiên hạ.

Written by: HEC (History Explorer Club)
Lược đồ chiến dịch. Màu đỏ là mũi tiến công của quân Ngô. Màu xanh là cứ điểm quân Tấn. 

(Wikipedia)





Post a Comment

Previous Post Next Post