TẠI SAO CỤ NGUYỄN DU LẠI CÓ NHIỀU TÊN?

#Câu_chuyện_lịch_sử

TẠI SAO CỤ NGUYỄN DU LẠI CÓ NHIỀU TÊN?

     "Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên…”

     Đây là mở đầu phần giới thiệu về đại thi hào Nguyễn Du trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9. Vậy đâu là tên thật của cụ?
     Nhà nho Việt Nam thuở trước có rất nhiều tên. Ngoài tên cúng cơm (tên húy), họ thường còn có tên chữ (tên tự)tên hiệu. Tên tự, hay tên chữ là tên đặt bằng từ Hán-Việt và thường dựa theo nghĩa của tên vốn có. Người đặt hay lấy chữ của một câu trong sách cổ có ý nghĩa liên quan đến tên húy hay chứa đựng tên húy. Sách Kinh Lễ định: Con trai hai mươi tuổi làm lễ đội mũ rồi mới đặt tên, tuy nhiên ở Việt Nam thì tên tự có thể được đặt từ trước. Ví dụ, Gia Cát Lượng tự Khổng Minh (lượng và minh đều nghĩa là sáng), Lê Quý Đôn tự Doãn Hậu (đôn hậu), Nguyễn Bỉnh Khiêm tự Hanh Phủ (Kinh dịch có câu: Khiêm Hanh, quân tử hữu chung).
     Tên hiệu thường là tên của trí thức thời phong kiến tự đặt thêm cho mình (khác với tên tự là được đặt cho), thường là một từ ngữ Hán-Việt có nghĩa đẹp đẽ, thể hiện hoài bão hoặc tâm sự của mình. Tên hiệu thường dùng một trong các chữ "trai" (nhà sách), "hiên" (mái nhà), "am" (nhà nhỏ), "đường" (nhà lớn). Ví dụ: Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, Nguyễn Thiếp hiệu Hạnh Am, Cao Bá Quát hiệu Mẫn Hiên, Cúc Đường. Một số người được biết đến chủ yếu qua tên hiệu như Tô Đông Pha (Tô Thức).
     Ngoài ra một số danh sĩ thời xưa còn có biệt hiệu, như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Bản thân Nguyễn Du cũng có các biệt hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ (người thợ săn núi Hồng), Nam Hải Điếu Đồ (người câu cá biển Nam).



Post a Comment

Previous Post Next Post