Hai vị Tổng đốc quên mình vì Hà Nội

Tượng thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu trên vọng lâu Cửa Bắc 


#Nhân_vật_lịch_sử

HAI VỊ TỔNG ĐỐC QUÊN MÌNH VÌ HÀ NỘI






   

   
    Nửa cuối thế kỷ XIX, khi dấu chân xâm lăng người Pháp đến Bắc Kỳ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và sau đó là Tổng đốc Hoàng Diệu đã được triều đình giao nhiệm vụ giữ thành Hà Nội. Năm 1873, đại úy thủy quân Francis Garnier đem 180 quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp thương nghị sự tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ. Vậy mà khi ra đến nơi, Garnier đã hợp binh với Dupuis để lên kế hoạch đánh thành Hà Nội. Việc đầu tiên Francis Garnier tới gặp Nguyễn Tri Phương, yêu cầu ông phải mở cửa sông Hồng cho người phương Tây thông thương, tuy nhiên đã bị Nguyễn Tri Phương từ chối. Trước thái độ cứng rắn của ông, ngày 19/11/1873, Francis Garnier ra tối hậu thư yêu cầu Nguyễn Tri Phương phải giải trừ vũ trang trong thành, cho Jean Dupuis được thông thương tự do và bỏ lệnh cấm người Việt Nam không được liên lạc với Pháp.
   
    Vì Nguyễn Tri Phương không trả lời tối hậu thư, nên sáng sớm ngày 20/11/1873 Francis Garnier ra lệnh cho quân của Jean Dupuis đánh vào cửa Đông và cửa Bắc, còn quân của hắn thì đánh vào cửa Đông Nam, Tây Nam và Tây, bản thân hắn trực tiếp chỉ huy đánh cửa Đông Nam thành Hà Nội. Bị đánh bất ngờ, Nguyễn Tri Phương trực tiếp chỉ huy quân sĩ chiến đấu nhưng không giữ nổi thành. Khi giặc vào thành, Nguyễn Tri Phương tuy bị thương không chịu để cho giặc băng bó. Người Pháp muốn chạy chữa cho ông nhưng bị từ chối, đến phút cuối ông đã nhờ tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề và ung dung nói: “Nghĩa tôi là phải chết”, rồi ra đi một cách bình thản. Tấm gương của Nguyễn Tri Phương được Hoàng Diệu – người giữ thành kế nhiệm nhắc lại “Lòng cô trung thề với cô thành/ Chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất”. Năm 1882, Pháp quay trở lại tấn công xâm lược Hà Nội lần thứ 2. Ngày 26/03/1882, Đại tá Henry Rivière chỉ huy hơn 600 lính Pháp và 3 pháo hạm tiến quân theo đường sông Hồng để tiến đánh Hà Nội. Sáng 25/4/1882, Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc bấy giờ là Hoàng Diệu, đòi ông phải giao thành cho chúng. Đến 10 giờ, quân Pháp bắt đầu nổ súng. Trận chiến diễn ra đến 11 giờ trưa thì kho thuốc súng trong thành nổ tung. Thừa lúc rối ren, quân Pháp dồn lực lượng đánh cửa thành phía Tây và phía Bắc. Giặc ùa vào bên trong, quân ta tan rã.
    Trước tình thế ấy, Hoàng Diệu quay về dinh, mặc triều phục chỉnh tề, vào hành cung bái vọng mà khóc “Sức thần đã hết rồi” và thảo một tờ biểu gửi vua Tự Đức. Sau đó, để bảo toàn khí tiết, ông đến bên cây đa trước cửa Võ miếu thắt cổ tự vẫn. Được tin Hoàng Diệu tuẫn tiết, nhân dân Hà Nội vô cùng thương tiếc. Ngay hôm sau, dân tập trung và rước quan tài của Hoàng Diệu an táng tại khu vườn dinh Đốc học (nay là phố Trần Quý Cáp, sau ga Hà Nội). Trong lễ tang, các sĩ phu ở Hà Nội có bài điếu:
“...Cô thành chống giữ một mình thôi
Khảng khái như ông được mấy người
Cựu lục nghìn năm gương tiết dọi
Cô thần một chút tấm trung phơi...”

Post a Comment

Previous Post Next Post