VỊ VUA NẮM GIỮ NHỮNG KỶ LỤC VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

#Nhân_vật_lịch_sử

VỊ VUA NẮM GIỮ NHỮNG KỶ LỤC VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Lê Thần Tông là ông vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi. Ngoài ra, ông có đến 4 người con đều làm vua, là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ phương Tây cũng như có một đứa con nuôi người Hà Lan.
Ông là vị vua thứ sáu của nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, làm vua lần 1 từ năm 1619 - 1643, lần 2 từ năm 1649 – 1662.
Đánh giá ngắn gọn về Lê Thần Tông, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có đoạn viết: “Vua tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Lê Kính Tông, ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi, chôn ở lăng Quần Ngọc. Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi. Song chốn cung vi không có chế độ, mê hoặc Phật giáo, đó là chỗ kém”.
Việc sử sách chê Lê Thần Tông “chốn cung vi không có chế độ” vừa là để nhắc tới chuyện lập Hoàng hậu một cách miễn cưỡng, cũng đồng thời ám chỉ về việc ông lấy những người vợ ngoại quốc mà trong con mắt đương thời, họ thuộc sắc tộc không cao quý.
Về người vợ chính của Lê Thần Tông, đây là người mà vua bị ép buộc chấp nhận trong tình cảnh không thể chối từ được, khi ấy vào tháng 5 năm Canh Ngọ (1630), chúa Trịnh Tráng ép vua Lê Thần Tông phải lấy con gái của mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc để tấn phong làm hoàng hậu; năm ấy vua mới 23 tuổi còn bà Ngọc Trúc đã ở tuổi 36.
Tuổi tác chênh lệch đã đành nhưng điều trái khoáy là xét theo thứ bậc trong hoàng tộc đây lại là bác dâu của vua vì người chồng trước của bà là Cường quận công Lê Trụ lại là bác họ của Lê Thần Tông.
Biết là chuyện trái với luân thường đạo lý nhưng ở thời xã hội đảo điên, vua chỉ là bù nhìn mà thôi nên Lê Thần Tông phải cam chịu mà chung sống gượng ép với người vợ già hơn mình nhiều tuổi.
Để bù đắp cho cuộc sống không có tình cảm với Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông đã tuyển nhiều mỹ nữ khắp các vùng miền vào chốn hậu cung của mình; sử sách có nhắc đến các phi tần chính của vua. Điều đặc biệt là ngoài số phi tần người Việt, để phục vụ mục đích chính trị và giao thương quốc tế, Lê Thần Tông còn lấy một số phụ nữ nước ngoài làm vợ mà theo dã sử và tài liệu phương Tây thì những người này có vị thế cao hơn các phi tần người Việt, họ chỉ xếp sau hoàng hậu mà thôi.
Trong số 6 người vợ có thứ bậc cao trong cung, ngoài Hoàng hậu Ngọc Trúc và bà phi người Mường thì những người còn lại là các phi tần người Xiêm (Thái Lan ngày nay), Hán (Hoa), Ai Lao (Lào ngày nay) và Hòa Lan (tức Hà Lan).
Về phi tần người Hà Lan, dù thông tin không nhiều nhưng so với các phi tần ngoại quốc của Lê Thần Tông thì dữ kiện liên quan đến bà có nhiều hơn chút ít. Dù có nhắc đến nhưng trong các tư liệu của một số giáo sĩ, thương nhân châu Âu không chép rõ người vợ phương Tây của Lê Thần Tông tên thật là gì, nhưng có tài liệu nói bà là người Hà Lan lai Triều Tiên tên là Onrona.
Linh mục người Pháp là Alexandre de Rhodes trong cuốn sách “Historie du Royaume de Tunquin” ghi chép rất nhiều việc về nước ta thời Lê - Trịnh cũng có đoạn cho biết trong số những người vợ của Lê Thần Tông có một bà cung phi người Hà Lan.
Vua Lê Thần Tông có nhiều vợ, họ sinh cho ông tất cả 10 người con, trong đó 4 người con trai đều kế nhau ở ngôi hoàng đế là: Lê Duy Hựu (Lê Chân Tông), Lê Duy Vũ (Lê Huyền Tông), Lê Duy Cối (Lê Gia Tông), Lê Duy Cáp (Lê Hy Tông).
Lê Thần Tông cũng được coi là vị vua đầu tiên và cũng là người Việt đầu tiên có con nuôi là người nước ngoài, điều thú vị người đó cũng là người phương Tây gốc Hà Lan tên là Charles Hartsinck. Đây là được coi là người Hà Lan đầu tiên được phép mở hiệu buôn ở nước ta, đặt nền móng cho việc xây dựng thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến, người này cư trú ở Đàng Ngoài khá lâu và thông thạo tiếng Việt, am hiểu tình xã hội, nội tình triều đình.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Bộ tượng vua Lê Thần Tông và các bà vợ, chùa Mật Sơn (Đại Bi tự), TP. Thanh Hóa

Post a Comment

Previous Post Next Post